Lịch sử - Văn hóa Ninh Bình

Lịch sử

Ninh Bình xưa cùng với Thanh Hóa thuộc bộ Quân Ninh, nước Văn Lang. Thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đông Ngô về sau thuộc Giao Châu, thuộc Lương là châu Trường Yên.

Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế đóng đô tại Hoa Lư và đổi tên gọi Trường Châu thành Trường An.

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, và Ninh Bình nằm trong phủ Trường An. Nhưng đến cuối đời Lý có lúc gọi là châu Đại Hoàng Giang[10].

Đầu đời Trần đổi là lộ Trường Yên. Đời Trần Thuận Tông, năm Quang Thắng 10 (1397) đổi trấn Trường Yên làm trấn Thiên Quan.

Thời thuộc Minh lấy lại tên cũ là châu Trường Yên thuộc phủ Kiến Bình.

Đời Lê Thái Tổ lại gọi là trấn. Năm Quang Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông định bản đồ toàn quốc, chia trấn Trường Yên làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc trấn Sơn Nam với trung tâm đặt tại Vân Sàng. Đời Lê Trung hưng gọi là trấn Thanh Hoa ngoại.

Đời Tây Sơn và đầu Nguyễn vẫn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn, gồm 2 phủ: phủ Trường Yên (sau đổi là Yên Khánh) gồm 3 huyện: Yên Khang (sau đổi là Yên Khánh), Yên Mô, Gia Viễn, và phủ Thiên Quan (sau đổi là Nho Quan) gồm 3 huyện: Yên Hoá, Phụng Hoá, Lạc Thổ (sau đổi là Lạc Yên).

Năm Gia Long 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn làm đạo Thanh Bình.

Năm Minh Mệnh 3 (1822) đổi làm đạo Ninh Bình.

Năm Minh Mệnh 10 (1829) lại đổi làm trấn, lập thêm 1 huyện mới Kim Sơn (cộng 7 huyện).

Năm thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Ninh Bình[11], quan đầu tỉnh là tuần phủ, đặt dưới quyền của tổng đốc Hà Ninh (quản hạt cả vùng Hà Nội đến tận Ninh Bình). Cho đến đời Đồng Khánh không thay đổi. Đầu đời Thành Thái cắt huyện Lạc Yên về tỉnh Hoà Bình mới lập.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam ĐịnhHà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 12 tháng 8 năm 1991[12]. Khi tách ra, tỉnh Ninh Bình có diện tích 1.386,77 km², dân số 787.877 người, gồm 2 thị xã Ninh Bình (tỉnh lị), Tam Điệp và 5 huyện: Gia Viễn, Hoa Lư, Hoàng Long, Kim Sơn, Tam Điệp.

Ngày 23 tháng 11 năm 1993, huyện Hoàng Long đổi lại tên cũ là huyện Nho Quan.

Ngày 4 tháng 7 năm 1994, huyện Tam Điệp đổi lại tên cũ là huyện Yên Mô và tái lập huyện Yên Khánh từ 10 xã của huyện Tam Điệp cũ và 9 xã của huyện Kim Sơn.[13]

Ngày 7 tháng 2 năm 2007, chuyển thị xã Ninh Bình thành thành phố Ninh Bình.[14]

Ngày 10 tháng 4 năm 2015, chuyển thị xã Tam Điệp thành thành phố Tam Điệp.[15]

Về mặt quân sự, Ninh Bình cũng giữ một vị trí then chốt vì đèo Ba Dội nằm trong dãy Tam Điệp là một cửa giao thông hiểm yếu giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, dùng đường bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa hay từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, đều phải vượt đèo này. Hiện tại, nơi đây là đại bản doanh của Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, là một trong bốn binh đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Các đơn vị quân đội khác đóng quân trên địa bàn Ninh Bình gồm có: Lữ đoàn 279 (Phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp); Lữ đoàn 241 (Quỳnh Lưu, Nho Quan); Trung đoàn 202 (Phú Lộc, Nho Quan); Kho J 102 (Thạch Bình, Nho Quan); Sư đoàn 350 (Bích Đào, thành phố Ninh Bình); Viện Quân y 5 (Phúc Thành, TP Ninh Bình); Đồn Biên phòng Kim Sơn và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình (Kim Đông, Kim Sơn).

Văn hóa

Cố đô Hoa Lư, kinh đô 3 triều đại 6 vị vua

Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông HồngBắc Trung Bộ. Đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, phát triển trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở núi Ba (Tam Điệp) và một số hang động khác của kỳ đồ đá cũ thuộc nền Văn hóa Tràng An; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng. Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu. Ninh Bình là địa bàn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn.

Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của triều đại Tây Sơn với phòng tuyến Tam Điệp, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông với hành cung Vũ Lâm, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần với đế đô ở Yên Mô, các căn cứ quân sự khác như thành nhà Mạc, thành nhà Hồ hiện vẫn còn dấu tích ở Yên Mô...

Thế kỷ XVI - XVII, đạo Công giáo được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Công giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm đặt tại Kim Sơn với 60% tổng số giáo dân toàn tỉnh.[16] Bên cạnh văn hoá của cư dân Việt cổ, Ninh Bình còn có "văn hoá mới" của cư dân ven biển. Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Những địa danh cửa biển như: Phúc Thành, Đại An, Con Mèo Yên Mô, cửa Càn, cửa biển Thần Phù cùng với các con đê lịch sử như đê Hồng Đức, đê Hồng Lĩnh, đê Đường Quan, đê Hồng Ân, đê Hoành Trực, đê Văn Hải, đê Bình Minh I, II, III, IV... Cho đến nay vùng đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100 m. Ninh Bình là một tỉnh mở rộng không gian văn hoá Việt xuống biển Đông, đón nhận các luồng dân cư, các yếu tố văn hoá từ Bắc vào Nam, từ biển vào. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng nổi bật như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua... Nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động trong vùng văn hoá môi trường đất mở.

Dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc - Bích Động, động Vân Trình, động Tiên, động Thiên Hà, Tràng An, động Mã Tiên... Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động". Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thuỷ tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn như Trương Hán Siêu, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Xuân Quỳnh về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.

Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Ninh Bình gắn liền với tín ngưỡng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần thông qua các đền thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang Trung và Triệu Quang Phục với số lượng vài chục đền thờ mỗi vị); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu với nhân vật Cô Đôi Thượng Ngàn sinh ra ở Ninh Bình); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn). Ninh Bình là vùng đất phong phú các lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ hội Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Tràng An... Các lễ hội khác: Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, lễ hội Yên Cư, hội thôn Tập Minh, lễ hội động Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn, đền Dâu, hội vật Yên Vệ, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ... các công trình kiến trúc văn hóa như đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, nhà thờ Phát Diệm, chùa Bái Đính, đền Thánh Nguyễn, làng chèo Phúc Trì, Nam Dân, Thượng Kiệm, những trung tâm hát chầu văn, xẩm, ca trù ở đền Dâu, phủ Đồi Ngang... Ninh Bình là đất tổ của nghệ thuật hát Chèo, là quê hương các làn điệu hát xẩm, ca trù và của nhiều làng nghề truyền thống như nghề điêu khắc đá Ninh Vân, nghề mộc Phúc Lộc, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề nấu rượu và chiếu cói ở Kim Sơn...

Danh nhân

Vùng đất Ninh Bình là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, Vua Lê Đại Hành, Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, Quốc sư Nguyễn Minh Không, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Anh hùng Lương Văn Tụy, Sử gia Ninh Tốn, Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thượng thư Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ,... Ninh Bình là nơi gắn với đỉnh cao sự nghiệp của các danh nhân như Doanh điền Nguyễn Công Trứ, Bà tổ hát chèo Phạm Thị Trân, Vua Lý Thái Tông, nhà Hậu Trần, Vua Quang Trung... Ninh Bình cũng là nơi sinh ra những nhà cách mạng tiêu biểu như Thượng tướng Nguyễn Hữu An nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2,nguyên Viện trưởng Học viện quân sự cấp cao, quê Trường Yên (Hoa Lư), Bí thư xứ ủy Nam Kỳ Tạ Uyên, nguyên Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Đại tướng, Đô đốc hải quân Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam,...Hiện nay, Ninh Bình là quê hương của nhiều nhân vật tiêu biểu đang tại chức như:

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ninh Bình http://dulichbaidinh.com/Home/tin-tuc-su-kien/110/... http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/07/viet-nam-... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/kh24/Them-1... http://baotintuc.vn/274N20111003142350588T158/thie... http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/5-tinh-co... http://www.ninhbinhtourism.com.vn/ http://www.ninhbinhtourism.com.vn:8080/modules.php... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=18184 http://www.dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDet...